Bố tôi là một quân nhân, cụ rất nghiêm khắc và đặc biệt gọn gàng, ngăn nắp. Hồi còn nhỏ, bố tôi làm việc xa nhà, 1 tháng mới về với mẹ con tôi được 1 lần, mỗi lần về vài ba ngày.

Mỗi lần bố về, tôi phải giấu rất nhiều đồ chơi của tôi đi chỗ khác, vì sợ bố vứt đi. Nhớ có lần, bố nhìn thấy viên đá cuội tôi nhặt được ở bờ ao để trên bàn uống trà. Bố hỏi:

“Cái này của ai?”. Tôi trả lời:

– “Của con ạ!”

– “Viên đá này để làm gì?” – bố tôi hỏi

– “Con không biết, con thấy hay hay thì nhặt về thôi”

Ngay lập tức bố tôi cho vào sọt rác.

– “Những thứ con không biết dùng để làm gì thì không nên giữ nó” – bố nói với tôi.

Lần khác, thấy cái bút tôi để trên bàn ăn. Bố hỏi:

– “Cái bút này của ai?” – “Dạ của con” – “Thế bút này dùng để làm gì?” – “Dạ để viết ạ” – Bố nghiêm mặt: “Vậy tại sao nó lại nằm ở đây?”. Và ngay lập tức bố tôi quẳng cái bút mẹ mới mua cho tôi tuần trước vào sọt rác. “Những thứ con không không biết đặt đúng chỗ của nó thì không nên giữ lại” – bố nói.

Sau nhiều lần như vậy, nhà tôi ở hồi đó mặc dù rất bé nhưng luôn ngăn nắp gọn gàng, đồ đạc luôn nằm đúng chỗ của nó.

Hôm nay, nhân sự kiện Barcamp Hà Nội diễn ra, VCCorp là tài trợ kim cương nên có gian tuyển dụng khá lớn, thu hút nhiều khách tham quan. Tôi cũng tham gia lễ khai mạc, gặp nhiều bạn bè và đối tác. Nhiều người hỏi tôi rằng sao đợt này VCCorp tuyển dụng nhiều thế? Một lúc mong muốn tuyển tới 300 chuyên gia công nghệ. Liệu có sử dụng hết hay như thế có phí quá không? Tôi chỉ cười và trả lời rằng: Chắc bạn chưa hiểu rõ về VCCorp rồi, chúng tôi hoạt động nhiều mảng online khác nhau với rất nhiều dự án, ở đó chúng tôi luôn tối ưu hoá bộ máy, để đảm bảo phát huy sức mạnh tối đa của mỗi thành viên, do vậy không có chuyện bất kỳ ai ngồi chơi cả. Mỗi dự án, đội ngũ trực tiếp sản xuất chỉ khoảng 5-10 người mà thôi, nhưng cũng đủ đưa sản phẩm lên số 1 trên thị trường Việt Nam rồi.

 

5w1h là gì áp dụng như thế nào

 

Ở VCCorp, và đặc biệt ở khối TMĐT – nơi tôi đang trực tiếp quản lý. Tôi áp dụng triệt để nguyên tắc tư duy quản trị 5W-1H (What, Who, Where, When, Why – How) cho các sản phẩm, tính năng, kế hoạch kinh doanh cũng như sử dụng con người. Mỗi con người VCCorp là một cá thể quan trọng, họ được đào tạo để hiểu rõ nhiệm vụ của mình là gì, phát huy năng lực của mình ra sao để từ đó làm việc một cách hiệu quả và thông minh nhất.

Nói kỹ hơn về nguyên tắc tư duy quản trị 5W-1H. Khi bắt đầu bất kỳ một vấn đề gì mới, chúng tôi luôn phải trả lời các câu hỏi: “Cái đó dùng để làm gì (What)? Cái đó xuất phát từ đâu (Where)? Khi nào thì dùng nó (When)? Ai sẽ phụ trách việc này (Who)? Tại sao lại phải làm cái đó (Why)? Và làm nó như thế nào (How)?” Nếu chỉ cần không trả lời được 1 trong các câu hỏi đó thì lập tức việc đó không được thực hiện.

 

Nguyên tắc tư duy 5W-1H

Khái niệm 5W1H được cho là có nguồn gốc từ bài thơ “The Elephant’s Child” của Rudyard Kipling. Bài thơ này như sau:

I have six honest serving-men

They taught me all I knew

Their names are What and Where and When

And How and Why and Who.

Tạm dịch:

Tôi có 6 người đầy tớ trung thực

Họ đã dạy cho tôi biết mọi thứ

Tên của họ là What và Where và When

Và How và Why và Who.

Như vậy, bài học thuở nhỏ từ bố tôi, cho tới khi tôi làm công việc quản trị dự án. Nguyên tắc tư duy 5W-1H luôn luôn đúng cho hầu hết các ltrường hợp, nó giúp ta tạo ra những cách thức và sản phẩm giá trị hơn, giúp sản phẩm và bộ máy được tinh chỉnh một cách hiệu quả và mang lại những thứ thực sự hữu dụng.