Bạn thường xem tivi, nghe đài báo chắc hẳn sẽ nhớ một số câu slogan gắn liền với những sản phẩm như: “Luôn luôn lắng nghe, Luôn luôn thấu hiểu” của hãng bảo hiểm Prudential, “Biti’s Nâng niu bàn chân Việt” của giày dép Biti’s, “Sống là không chờ đợi” của Sunsilk…. Bạn có biết rằng chỉ có một câu với vài chữ như vậy thôi nhưng những công ty phải bỏ ra không ít dollar để mua nó? Vậy, họ mua từ ai? Đó chính là các copywriter.

Những phác thảo đầu tiên về một copywriter

Khi được hỏi: “Có thể phác thảo chân dung một copywriter như thế nào nhỉ?” thì ngay tức khắc, anh Minh Toàn – copywriter của công ty Saatchi & Saatchi trả lời: “Một người chỉ phát triển phần đầu và chân”. Đây là câu nói hài hước về copywriter (người viết lời quảng cáo) nhưng phần nào cũng có thể phác thảo lên chân dung ngành nghề còn mới mẻ ở Việt Nam này. Đây là nghề tàn sát nơ-ron thần kinh rất mạnh bởi 70% quỹ thời gian mà copywriter dành ra là phục vụ cho việc nghĩ ra ý tưởng mới. Bởi vậy, có thể bạn đã từng gặp những anh chàng ăn mặc ngổ ngáo, tóc dài, quần áo chẳng giống ai, lang thang trên phố hoặc la cà ở những quán café internet tốc độ cao. Có thể đó là những copywriter đang đi tìm ý tưởng cho chương trình quảng cáo đấy.

Một khi đã là copywriter chuyên nghiệp trong các tập đoàn quảng cáo đa quốc gia, bạn hoàn toàn yên tâm với mức lương được tính bằng đô la. Con số này có thể khởi đầu từ 400 – 500 USD và kết thúc bởi 4 con số không đằng sau. So với mặt bằng chung của xã hội, đó thực sự là một mức lương rất cao. Ngoài ra, copywriter còn có nhiều cơ hội đi nước ngoài. Đó là chưa nói đến các khóa học nâng cao nghề nghiệp, các festival ngành quảng cáo ở nước ngoài và các kỳ du lịch cùng công ty. Chính vì vậy mà ở những nước phát triển, nghề này  là một trong 10 “most wanted” (được mong muốn nhất).

Ở Việt Nam hiện nay, con số các copywriter hiện nay tuy đã tăng rất nhanh so với trước đây, nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu ngày càng cao của ngành quảng cáo. Hầu hết các công ty quảng cáo trong và ngoài nước, dù đăng tuyển hay không, thì đều luôn có nhu cầu tuyển copywriter. Thêm vào đó, hiện tại vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo nghề copywriter, nên ngành quảng cáo thiếu hẳn nguồn nhân lực chính thống cho ngành này. Các copywriter đang làm việc tại các công ty quảng cáo cũng có xuất phát điểm từ đủ mọi ngành, nhưng nhiều nhất vẫn là ngoại ngữ, báo chí, ngoại thương, thậm chí cả bách khoa… Học nghề qua chính kinh nghiệm thực tiễn, đó chính là cách nhanh nhất bước chân vào ngành này. Vì thế, các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm vẫn được chào đón nồng nhiệt, miễn là bạn tự tin vào khả năng sáng tạo của mình.

Công việc của một copywriter

Một chuyên gia quảng cáo đã từng ví von rằng,  copywriter là những chuyên gia bán hàng sau màn hình máy tính và nhiệm vụ chính của họ là BÁN HÀNG, BÁN HÀNG và BÁN HÀNG thông qua ngôn từ mà họ viết. Họ được trả lương để làm sao sản phẩm/dịch vụ mà họ đề cập đến phải được người khác biết đến, để làm sao sản phẩm đó, dịch vụ đó được tiêu thụ không chỉ một người mà là hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người.

Phần lớn thời gian làm việc của copywriter là suy tư tìm ý tưởng lạ, độc đáo, hiệu quả cho việc quảng cáo sản phẩm.Ý tưởng được nảy sinh thường rất tình cờ. Bạn lang thang trên phố và bất chợt nghĩ ra một điều gì đó thú vị… Một buổi sáng nào đó bạn thức dậy, vào nhà tắm và ý tưởng chợt nảy sinh ngay dưới vòi sen. Và nếu đã là một chuyên gia viết lời quảng cáo chuyên nghiệp, bạn sẽ cảm nhận được ngay: đó chính là ý tưởng mà bạn đang cất công đi tìm.

Copywriter không thể là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực, trong khi đó họ lại phải quảng cáo nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, từ xe hơi cho đến thỏi son dành cho phụ nữ. Bởi vậy, công việc đầu tiên mà copywriter phải thực hiện là làm quen với các thông tin về doanh nghiệp, về lĩnh vực hoạt động cũng như thị trường sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Copywriter phải tìm hiểu kỹ hơn về tính chất của sản phẩm/dịch vụ cũng như các đặc trưng, đặc thù của doanh nghiệp. Và như vậy, ngoài khả năng chuyên môn, copywriter phải là những người có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.

Sau khi đã có ý tưởng độc đáo, nhiệm vụ tiếp theo của 1 copywriter là viết kịch bản cho các quảng cáo, viết slogan hoặc dịch kịch bản, slogun từ ngoại ngữ qua tiếng Việt. Công việc này đòi hỏi copywriter phải là những tay “thợ chữ” lành nghề không chỉ tiếng Việt mà còn một số ngoại ngữ khác để đảm bảo cho việc biên dịch sang tiếng Việt được đủ ý, đủ “hồn” của từng câu chữ. Từng câu, từng chữ do copywriter viết ra là những câu hết sức kết tinh, đi thẳng vào tâm lý người tiêu dùng và thôi thúc họ mua hàng. Chính vì vậy, 1 câu do tay “thợ đẽo chữ” này viết ra có thể có giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm dollar!

Hiện tại, ở Việt Nam còn rất hiếm công ty nào có bộ phận copywriting. Bởi vậy, các copywriter làm việc tại nhóm sáng tạo của các công ty quảng cáo. Nhóm sáng tạo trong các công ty quảng cáo thường có ít nhất là 2 người: copywriter – nhân viên viềt lời quảng cáo và giám đốc sáng tạo (Art Director)– người chịu trách nhiệm chung về nội dung và ý tưởng quảng cáo. Họ là những người làm việc với khả năng sáng tạo cao, đối mặt với nhiều thách thức, áp lực. Lao động của họ là lao động trí não với cách suy nghĩ “nát óc”. Copywriter đóng vai trò quan trọng trong nhóm, vì nếu thiếu anh ta, ý tưởng chỉ là ý tưởng. Anh ta là người tạo ra sợi dây mỏng manh nhưng bền vững giữa sản phẩm của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Cũng giống như các thành viên khác trong nhóm, anh ta vừa phải tìm ý tưởng ngôn từ, vừa phải làm nhiệm vụ “đẽo chữ”.

Bạn muốn trở thành copywriter sao? Hãy xem mình có những khả năng này không!

Như trên đã trình bày, điều kiện đầu tiên đối với người làm copywriting là phải có tư duy sáng tạo. Để có một ý tưởng hay, độc đáo là kết quả của cả một quá trình “ép xác”. Phải căng mình ra để tìm hiểu, ngẫm nghĩ. Bởi vậy, họ luon phải tự làm mới tư duy của mình, nếu không, tư duy cứ đi theo lối mòn thì tất yếu họ sẽ bị đào thải.

Copywriter phải là người say mê ngôn ngữ, điêu luyện trong cách dùng từ cả tiếng Việt lẫn một số ngoại ngữ khác. Viết lời quảng cáo cũng giống như công việc sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Từ ngữ sử dụng phải thật “đắt”, mẫu quảng cáo mới ấn tượng. Chính vì vậy, những bạn học trong ngành ngữ văn, báo chí, ngoại ngữ có một lợi thế rất lớn khi theo ngành copywriting.

Copywriter là người phải mạnh dạn bảo vệ ý tưởng và tác phẩm của mình mới mong nó còn nguyên vẹn đến ngày ra mắt công chúng. Tuy nhiên, copywriter không được là người quá bảo thủ hay cứng nhắc. Nhiều khi các câu của họ viết ra lại không hay bằng câu của khách hàng hoặc một ai đó buột miệng nói ra. Lúc đó, cần có sự điều chỉnh trong ý nghĩ của mình.

Đây cũng là nghề đòi hỏi khả năng thuyết phục rất cao, bởi bạn cần “bán” ý tưởng của mình. Giữa rất nhiều ý tưởng, bạn cần phải đưa ra được ý kiến của mình để thuyết phục khách hàng chọn lựa ý tưởng mà bạn cho là xứng đáng. Có những trường hợp, khách hàng thích tất cả các ý tưởng của hãng quảng cáo đưa ra. Và như vậy, copywriter cần phải có khả năng diễn giải “siêu đẳng’ để có thể thuyết phục được khách hàng. Và chỉ có lúc đó, bạn mới chứng minh được tính chuyên nghiệp của mình. Nếu không thuyết phục được khách hàng, tốt nhất là bạn đừng nên tiếp tục con đường sự nghiệp của mình trong lĩnh vực quảng cáo, bởi nếu không bán được ý tưởng của mình cho khách hàng, làm sao bạn có thể khiến hàng triệu người tiêu dùng tin vào quảng cáo của mình?

Một copywriter có thể là người làm việc độc lập, tự làm cho chính mình, vì họ có những hợp đồng làm việc độc lập hoặc làm “tay ngang” cho nhiều khách hàng cùng một lúc. Họ cũng có thể làm việc như một nhân viên bình thường trong một tổ chức nào đó, thường là các công ty quảng cáo, các công ty PR, các phòng quảng cáo của những công ty lớn, các đài phát thành, truyền hình, báo hoặc tạp chí.

Mặc dù đều là những bậc thầy của ngôn ngữ nhưng một copywriter khác với những nhà văn, nhà thơ – những người có cái “tôi” cá nhân rất cao. Chính cái “tôi” này làm lên sự nổi tiếng của những văn sĩ. Tuy nhiên, là một copywriter, bạn không bao giờ được xen cái “tôi” cá nhân vào trong câu chữ mà phải luôn đề cao khách hàng – những người mà sản phẩm của họ hướng đến. Càng làm vừa lòng khách hàng bao nhiêu, sản phẩm của họ càng có giá trị bấy nhiêu. Bởi vậy, không có khái niệm một copywriter “nổi tiếng” mà chỉ có copywriter “cừ khôi”, “tài năng” thôi.

Nhiều chuyên gia quảng cáo nhận định: “Cùng với sự phát triển của ngành quảng cáo, nhất là sau năm 2007, khi các công ty quảng cáo nước ngoài được chính thức đầu tư vào Việt Nam, thì nghề copywriter sẽ trở nên rất thịnh hành. Đây đích thực là nghề dành cho những bạn trẻ năng động, muốn thử thách khả năng sáng tạo của mình”.

Tham khảo các từ khóa được tìm kiếm:
chia sẻ nghề copywriter
cơ hội việc làm của copywriter
con đường vào ngành coywriter
muốn làm copyrighter